Công nghệ tổng hợp Xu hướng công nghệ tương lai, góc nhìn từ các "ông lớn"

Thảo luận trong 'Thế giới công nghệ' bắt đầu bởi kitcat, 23/3/17.

  1. 5xsxl.
    Thế giới công nghệ đang thay đổi với một tốc độ nhanh chưa từng có. Hơn 90% dung lượng dữ liệu của nhân loại đã được tạo ra chỉ trong 2 năm gần đây. Sự tăng trưởng và phát triển chóng mặt này cũng mở ra những xu hướng công nghệ hoàn toàn mới.

    AI, Máy học (Machine Learning)

    Trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) và công nghệ Máy học (Machine Learning) có thể coi là 2 xu hướng tất yếu được các hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay theo đuổi. AI đang định hình thế giới theo một cách hoàn toàn mới và được nhận định sẽ thay thế con người trong nhiều ngành nghề. Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự xuất hiện của AI trong các lĩnh vực như xe tự lái, Robot hay đơn giản là các trợ lý ảo thường nhật trên smartphone như Siri, Google Now hay Cortana... Về cơ bản, một hệ thống trí tuệ nhân tạo phải thực hiện chuỗi quy trình "học hỏi", "hiểu" và "ra quyết định". Trong đó, Máy học (Machine Learning) là thành phần quan trọng nhất với việc liên tục phân tích các dữ liệu cực lớn để lấy mẫu, thu thập kiến thức.

    Để phục vụ cho quá trình đó, cần một lượng dữ liệu với quy mô khổng lồ, tính sẵn sàng cao cùng khả năng truy cập với tốc độ cực nhanh. Chính vì vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trí tuệ nhân tạo sẽ khiến ngành công nghiệp lưu trữ phát triển vô cùng mạnh mẽ trong thời gian tới.

    Bản thân các hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay như Fujitsu, IBM, Google hay Microsoft đang đầu tư không nhỏ vào R&D để phục vụ các công nghệ AI và Machine Learning.

    Đơn cử như Fujitsu, hãng công nghệ số 1 Nhật Bản này đã nghiên cứu AI hơn 30 năm qua và đạt được hơn 100 bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo. Thành tựu mới nhất của Fujitsu là xây dựng hẳn một hệ thống AI lấy con người làm trung tâm mang tên Zinrai với rất nhiều giải pháp phân tích, quản lý, lưu trữ tối ưu cho trí tuệ nhân tạo.

    5xkwk.
    Mới đây, Fujitsu còn giới thiệu một siêu máy tính với năng lực tính toán lên tới 4 petaflops nhằm phục vụ cho công tác Machine Learning chuyên sâu (Deep learning) để xử lý, nghiên cứu các dữ liệu AI cực kỳ phức tạp chuyên dụng cho ngành Y Tế, Tài Chính, Dự báo thời tiết... Hệ thống dữ liệu của siêu máy tính này được cấu thành từ các bộ lưu trữ Fujitsu ETERNUS DX200 S3 và DX100 S3 cơ bản nhưng đạt được hiệu suất cao nhờ giao thức truy cập file song song FEFS của Fujitsu, đáp ứng hoàn hảo cho các yêu cầu khắt khe trong việc phân tích dữ liệu lớn.

    Còn với IBM, hệ thống trí tuệ nhân tạo Watson đình đám của họ được sinh ra để xử lý các câu hỏi ngẫu nhiên với tốc độ cực lớn. Watson sử dụng tới 15TB RAM để lưu trữ và truy xuất dữ liệu tức thời, đi kèm năng lực tính toán đạt lên tới 0,08 petaflops. Ngoài ra, Watson còn được trang bị hệ thống lưu trữ dữ liệu IBM SONAS với 21.6 TB dữ liệu thô.

    5xneX.
    Hệ thống trí tuệ nhân tạo Watson của IBM
    IoT, Smart City

    Thế giới đang ở trên đỉnh của một cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ. Các vật dụng bình thường nhất trong cuộc sống của chúng ta cũng có thể kết nối và “tự nói chuyện” với nhau qua giao tiếp Internet không dây và thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh, cung cấp dữ liệu cho chúng ta theo cách mà trước đây những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không dám nghĩ tới, tạo thành một thành phố thông minh (Smart City) với vạn vật kết nối (IoT – Internet of Things)

    Dữ liệu là mạch máu và các trung tâm dữ liệu rất quan trọng đối với sự thành công của thành phố thông minh vì chúng chính là cơ sở thu thập, lưu trữ và phân tích hàng loạt các thông tin. Các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu cần phải đảm bảo khả năng mở rộng, tính linh hoạt, an ninh và khả năng tương thích đa nền tảng với các sản phẩm đa dạng hiện nay trên thị trường. Họ cũng cần triển khai các máy chủ được thiết kế đặc biệt để giải quyết khối lượng dữ liệu lớn và tốc độ gia tăng nhanh của dữ liệu phi cấu trúc giúp các tổ chức có thể truy cập và phân tích dữ liệu trong thời gian thực.

    Đón đầu cho trào lưu IoT, các tập đoàn công nghệ lớn đã đưa ra các giải pháp rất đa dạng.

    Công ty Weather thuộc IBM đang phát triển sản phẩm thương mại dùng thuật toán xử lý dữ liệu thời tiết. IBM cũng đang xây dựng một hệ thống phân tích để giúp nhà sản xuất trang thiết bị gia đình Whirlpool dự đoán khi chiếc máy sắp hư. Nhiều công ty khác cũng đang ngắm đến những mục tiêu không quá xa vời. Ví dụ, Intel đã thực hiện gắn cảm biến ở các phòng họp, cho phép nhân viên dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh kiểm tra xem khi nào phòng trống.

    Tại Việt Nam, IoT cũng đang được các tập đoàn công nghệ trong nước triển khai rất khẩn trương. Điển hình như việc tập đoàn FPT phối hợp cùng tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản triển khai dự án nông nghiệp thông minh Akisai với hai mô hình sản xuất “Nhà kính – Green house” và “Nhà máy rau – Vegetable factory”. Các mô hình trên ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong ngành thực phẩm và nông nghiệp, nằm trong hệ thống giải pháp nông nghiệp thông minh của Fujitsu.

    Những thông tin, hình ảnh về môi trường và khu vực trồng trọt được theo dõi và quản lý không chỉ tại Việt Nam, mà ngay tại Nhật Bản cũng có thể theo dõi và đưa ra hướng dẫn trồng trọt từ xa. Ngoài ra, các hệ thống lưới điện thông minh, trung tâm kiểm soát giao thông điện tử, hệ thống thu phí nhanh tại các trạm BOT, … là những minh chứng cho tương lai sáng sủa của xu thế áp dụng các giải pháp liên quan đến vạn vật kết nối.

    Lưu trữ đám mây (Cloud Storage)

    Hình thức lưu trữ đám mây (Cloud Storage) đã phổ biến trong nhiều năm trở lại đây và được đánh giá sẽ tiếp tục nở rộ và phát triển trong những năm tới. Lưu trữ đám mây được nhận định là giải pháp tối ưu nhất và ngày càng được nhiều doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân tin tưởng và sử dụng rộng rãi. Các hãng cung cấp đám mây ngày càng đưa ra nhiều dịch vụ cạnh tranh nhằm thu hút nhiều người dùng hơn.

    Báo cáo từ IDC cho biết chi tiêu cho điện toán đám mây (cả công và tư) vào Q2 2016 đã tăng trưởng 14,5% so với năm ngoái trong khi chi tiêu CNTT truyền thống đã giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Đến năm 2020, chi tiêu cho các dịch vụ đám mây và phần cứng, phần mềm liên quan sẽ đạt đến con số 500 tỷ USD, gấp ba lần hiện tại

    Chính vì vậy, những tên tuổi lớn trong ngành lưu trữ đám mây như Microsoft, Google, IBM, Amazon, … đang hết sức nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của họ nhằm mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.

    Chiến lược đám mây lai (hybrid) đang được các ông lớn đặc biệt chú trọng bởi trên thực tế, nhiều tổ chức muốn lưu các dữ liệu nhạy cảm trên server riêng của họ, nhưng đồng thời họ vẫn muốn sử dụng các dịch vụ và tính năng của đám mây trong server riêng đó.

    Ví dụ như dịch vụ đám mây Azure của Microsoft hay Fujitsu Cloud Service K5 cho phép khách hàng có thể tạo ra các ứng dụng lai khi vừa có thể sử dụng dữ liệu trong server riêng của mình, đồng thời các ứng dụng đó cũng có thể kết hợp với sức mạnh điện toán của đám mây để đẩy mạnh khả năng tính toán, tiết kiệm thời gian hoàn thành công việc.

    Qua những xu thế công nghệ mà đại đa số các tay chơi lớn trong lĩnh vực CNTT và Viễn thông đang hướng tới. Có thể thấy rõ rằng, xoay quanh hạt nhân là các trung tâm dữ liệu chất lượng cao và công nghệ lưu trữ thế hệ mới, các giải pháp như AI, IoT hay các dịch vụ trên nền Cloud đã và đang là điểm nhấn trong nỗ lực chuyển mình của ngành CNTT toàn cầu để bắt kịp nhu cầu của đời sống con người, trong bối cảnh mà các thiết bị thông minh đang bùng nổ và cách thức giao tiếp giữa con người với con người hay con người với thiết bị đang thay đổi vô cùng nhanh chóng.

     
    Last edited by a moderator: 24/3/17

Chia sẻ trang này