Công nghệ tổng hợp Vì sao Xiaomi có thể mất 40 tỉ USD giá trị thị trường và khả năng trở thành "BlackBerry của Châu Á"?

Thảo luận trong 'Thế giới công nghệ' bắt đầu bởi Tanus.Tran, 22/8/16.

  1. Chỉ 4 ngày sau lễ Giáng sinh 2014, Xiaomi cho biết họ đã gây quỹ thêm được 1,1 tỉ USD và nâng tổng giá trị thị trường của công ty lên thành 45 tỉ. Nhưng chỉ 18 tháng sau đó, một số phân tích chỉ ra rằng Xiaomi giờ chỉ còn giá trị khoảng 4 tỉ USD mà thôi. Vậy điều gì đang xảy ra với một trong những startup giá trị nhất thế giới?

    Thị phần, doanh số giảm

    Một trong những người đã đầu tư vào Xiaomi là Yuri Milner, người từng dự đoán rằng giá trị của công ty Trung Quốc này có thể đạt 100 tỉ USD trong tương lai. "Ở tất cả mọi khía cạnh có thể đo được, công ty có tốc độ tăng trưởng mạnh chưa từng có tiền lệ". Milner hẳn là người biết rõ về những điều này. Khoản đầu tư của ông vào Facebook năm 2009 khi hãng còn được định giá 10 tỉ USD đã giúp ông trở thành tỉ phú ba năm sau đó khi Facebook bắt đầu lên sàn chứng khoán. Ông cũng đổ tiền vào tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc Alibaba ba năm trước khi mở bán cổ phiếu ra đại chúng.

    Nhưng ngay cả một người với kinh nghiệm chiến trường như Milner cũng có khả năng sai. Trong quý kinh doanh đó thị phần smartphone của Xiaomi đã bị giảm mạnh trong khi những thiết bị thông minh khác, từ nồi cơm điện, kính VR cho đến cả dù, đã không tạo được nguồn doanh thu đủ mạnh.

    [​IMG]

    Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, thị phần smartphone của Xiaomi đã giảm 40% tại ngay chính quê nhà Trung Quốc trong Q2/2016 so với cùng kì một năm về trước. Tính chung cả thị trường Trung Quốc, lượng điện thoại thông minh bán ra tăng 4,6% và các đối thủ của Xiaomi như Huawei, Oppo, Vivo đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

    12 tháng sau ngày chạm đỉnh cao về định giá, Xiaomi đã 2 lần không đạt được chỉ tiêu doanh số cũng như chỉ tiêu doanh thu smartphone. Theo nhà phân tích Richard Windsor, số tiền mà công ty đem về có thể giảm thêm 10-20% nữa trong năm nay khiến giá trị của Xiaomi xuống chỉ còn 3,6 tỉ USD mà thôi.

    Vậy lý do gì đã dẫn đến sự suy giảm của " Apple Châu Á"?

    Vì sao lại như thế?

    Sự tăng trưởng chóng mặt của Xiaomi trong những năm qua đều dựa trên 1 thứ: họ có thể sản xuất smartphone với phần cứng và tính năng cao cấp với chi phí chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Apple hay Samsung. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh này nhanh chóng mất đi khi mà nhiều hãng khác cũng đi theo con đường của Xiaomi, tức là cũng làm ra smartphone cao cấp giá rẻ.

    Tuy nhiên, không như Xiaomi, các đối thủ của họ mang đến một thứ gì đó mới và sáng tạo. Vivo có màn hình cong, Oppo và OnePlus có thêm sạc nhanh và đánh mạnh vào camera, LeCo thì có những nội dung video và nội dung số độc quyền, Huawei thì có cảm biến vân tay và camera kép.

    Neil Shah, một nhà nghiên cứu của CounterPoint Research, cho biết: "Tôi nghĩ rằng tình hình kinh doanh cũng như mức tăng trưởng của Xiaomi trong ngành smartphone đã lên cao và đang đà rơi xuống vì các đối thủ có mảng nghiên cứu & phát triển mạnh hơn, có kinh nghiệm trong việc tích hợp sản xuất theo nhiều dọc (ý nói sản xuất nhiều linh kiện và kết hợp chúng lại), có dấu ấn tại nhiều thị trường nước ngoài, tất cả đều vượt qua Xiaomi. Một trong những lý do chính mà Xiaomi đi xuống đó là họ không thể tự mình sáng tạo".

    [​IMG]

    Một vấn đề khác nữa với Xiaomi đó là họ đang tiếp tục tập trung vào những phân khúc giá rất rất rẻ, phân khúc nằm chót thị trường, trong khi có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng khách hàng Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua smartphone. Quyết định của Xiaomi trong việc hoãn ra mắt chiếc Mi Note 2 mạnh mẽ để ưu tiên cho chiếc thấp hơn là Redmi Note 3 (được công bố đầu năm nay) cho thấy rằng công ty đang không rõ về định hướng của mình và đã không tạo được sự thay đổi trên thị trường.

    Khó mở rộng được ra thế giới

    Quay về lại thời điểm tháng 12 năm 2014, một trong những lý do mà nhà đầu tư Milner cảm thấy tin tưởng vào tiềm năng của Xiaomi đó là do lúc đó hãng chỉ bán smartphone ở một số nước Châu Á mà thôi nên doanh thu còn "ít". Khi hãng bước ra thế giới bên ngoài, ví dụ như ở Tây Âu hay Mỹ, hãng sẽ trở thành một "global player".

    Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nằm ở chỗ Xiaomi không có được một bộ sưu tập bằng sáng chế đủ mạnh để gia nhập những thị trường đã trưởng thành này. Từ lâu Xiaomi đã bị cáo buộc là sao chép phần cứng và tính năng từ các hãng như Apple và Samsung, vậy nên khi họ bước vào Mỹ hoặc Châu Âu nơi mà luật bản quyền nghiêm ngặt và hàng tá công ty patent troll đang chực chờ, nhiều khả năng họ sẽ bị dính vào việc kiện tụng ngay từ những ngày đầu tiên, tệ hơn nữa là bị cấm bán.

    Ngay cả ở Ấn Độ, thị trường lớn thứ hai của Xiaomi, hãng cũng từng phải đối mặt với lệnh cấm bán vì vụ lùm xùm liên quan tới bản quyền của Ericsson. Và mặc dù Xiaomi đã kí thỏa thuận sử dụng bằng sáng chế với Microsoft và Qualcomm, việc tiến vào những quốc gia đã phát triển cũng là chuyện rất khó khăn và gần như là chưa được chuẩn bị kĩ.

    Xiaomi đang mất tập trung?

    Ngoài ra Xiaomi còn có lượng khách hàng khá đông ở Trung Quốc trong khi ở những nơi khác thì không. Xiaomi nói rằng khách hàng của họ có mức độ giao tiếp và gắn bó với công ty ở mức cao. Họ sẵn sàng mua những sản phẩm khác trong hệ sinh thái Xiaomi với chiếc smartphone làm trung tâm điều khiển. Tuy vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng người dùng Trung Quốc không có mức độ gắn bó và trung thành cao với một công ty smartphone nhất định. Đơn vị nghiên cứu Bain & Company năm 2014 khảo sát thấy các thương hiệu Trung Quốc thường giành được khách hàng mới cũng vì lý do này. Trước đây Xiaomi từng làm được điều đó, còn bây giờ thì hết rồi.

    Xiaomi luôn tự gọi mình là "công ty Internet" hơn là một công ty smartphone, và trong vài năm trở lại đây họ đã đầu tư vào nhiều startup phần cứng nhằm tạo ra những sản phẩm kết nối để xây dựng thành một hệ sinh thái mà họ gọi là Mi Ecosystem. "Mặc dù smartphone từ trước đến nay là sản phẩm chủ lực của Xiaomi nhưng hãng luôn gợi ý rằng tương lai của họ sẽ rộng lớn hơn rất nhiều, về cơ bản sẽ là một công ty thương mại điện tử bán nhiều mặt hàng khác nhau", Jan Dawson, nhà phân tích của Jackdaw Research nhận định.

    [​IMG]

    Nghe thì có vẻ như đây là một động thái khôn ngoan khi mà thị trường smartphone đang tăng trưởng chậm lại, dự báo chỉ tăng 3,1% trong năm nay. Vấn đề chỉ là Xiaomi chưa thể làm cho các khoản đầu tư của mình sinh lời đủ lớn.

    Xiaomi là một công ty tư nhân, vậy nên số liệu tài chính của họ không được công khai nhưng công ty nghiên cứu CounterPoint Research gợi ý rằng 85% doanh thu công ty đến từ smartphone, phần còn lại chủ yếu tới từ phần mềm và dịch vụ. Những thứ như xe chạy điện Ninebot vẫn chưa tạo được kết quả đáng kể và các nhà phân tích vẫn chưa thấy rõ khi nào thì chúng sẽ bắt đầu giúp Xiaomi đi lên. Họ cho rằng tương lai của Xiaomi đang rất bất ổn và hãng đang làm quá nhiều thứ cùng lúc. Nếu hãng không nhanh chóng cải thiện tình hình, nhiều khả năng Xiaomi sẽ sớm trở thành " BlackBerry của Phương Đông" thay vì "Apple của Phương Đông" như mọi người vẫn kì vọng.
     
    Last edited by a moderator: 23/8/16

Chia sẻ trang này